Phong cách Cổ điển trong xây dựng

Phong cách Cổ điển là trường phái nghệ thuật của châu Âu bắt đầu từ thế kỉ XVII - XIX. Phong cách Cổ điển được thể hiện rõ nét qua các hình thái như: âm nhạc, văn học và đặc biệt là kiến trúc xây dựng. Trường phái kiến trúc Cổ điển được thể hiện rõ nét ra tính đối xứng, vẻ đẹp tinh tế và hấp dẫn.

Phong cách thiết kế cổ đại thời điểm đó là những đền thờ, cung điện được xây dựng hoàn toàn bằng đá với nguyên tắc đối xứng, hình học, luật xa gần và trật tự nhất định.

Điểm đặc biệt tiếp theo của phong cách kiến trúc cổ đại chính là “thức cột kiến trúc”: Doric, Corinthian, Ionic và hầu như tất cả kiến trúc thời điểm bấy giờ đều lấy 3 thức cột này làm mốc.

Kiến trúc nổi bật nhất của phong cách thiết kế Cổ điển chắc chắn là đền thờ Parthenon, được xây dựng vào thế kỷ V trước Công Nguyên tại Athens. Các thức cột làm nhiệm vụ chịu lực, đỡ nóc đền thờ hình tam giác.

Phong cách Cổ điển trong xây dựng | Maxhome

Đền thờ Parthenon

Những ngôi nhà được thiết kế theo phong cách Cổ điển thường rất thu hút. Bởi trong đó sử dụng những món đồ trang trí quý giá, vật liệu chất lượng, các hình khối, đường nét được thể hiện rõ ràng, kiểu cách, màu sắc mang lại cảm xúc,... Ngoài ra, kiến trúc Cổ điển mang lại sự bình yên, sang trọng và đậm chất hoàng gia.

1. Màu sắc

Phong cách Cổ điển có gam màu chủ đạo là vàng và trắng. Sự kết hợp giữa hai màu sắc này giúp căn phòng trở nên thoáng đãng và rộng rãi hơn. Sắc vàng đem đến cảm giác ấm cúng, lãng mạn còn sắc trắng tạo cảm giác tinh tế, thuần khiết.

Bên cạnh gam màu chủ đạo, nhiều sắc màu khác được dùng nhằm tôn lên cá tính riêng của chủ sở hữu: xanh olive, đỏ đô, xám nhạt, hồng be… với mức độ đậm nhạt khác nhau tùy theo mục đích sử dụng không gian.

Phong cách Cổ điển trong xây dựng | Maxhome

Màu sắc chủ đạo của phong cách cổ điển là vàng và trắng

Ngoài phần tường và trần nhà, màu sắc cho các vật dụng có mặt trong căn phòng cũng cần được lưu ý. Thông thường, gia chủ lựa chọn vật dụng có màu sắc tương đồng với màu tường và trần. Điều này không những không gây nhàm chán mà tạo sự đồng điệu, tăng thêm vẻ đẹp cho căn phòng.

2. Chất liệu

Gỗ là một trong những chất liệu đặc trưng của phong cách Cổ điển. Gỗ thường được dùng làm bàn, ghế, kệ bếp, sàn nhà, khung cửa… vì vậy, có thể bắt gặp các vật dụng bằng gỗ ở mọi góc nhỏ trong căn nhà.

Thạch cao là vật liệu có thể chế tác dễ dàng, tạo đường nét tinh tế. Do vậy, thạch cao có mặt ở hầu hết các công trình Cổ điển (trần nhà, tường…), bổ trợ cho các vật liệu khác, tôn lên vẻ đẹp của ngôi nhà.

Đá tự nhiên (đá cẩm thạch, đá hoa cương…) được sử dụng nhiều trong phong cách Cổ điển hiện nay. Mẫu mã phong phú, bề mặt sáng bóng của đá tăng thêm vẻ đẹp cho không gian. Đá được dùng làm mặt bàn bếp, chậu rửa mặt, kệ đựng đồ, sàn nhà, tường… Tuy nhiên, với chất liệu này, chủ nhà cần lựa chọn loại có khả năng chống trơn trượt để tránh trường hợp không mong muốn xảy ra.

Phong cách Cổ điển trong xây dựng | Maxhome

Không gian phòng khách mang đậm nét Cổ điển

Sẽ là thiếu sót nếu đề cập đến phong cách Cổ điển mà không nhắc đến pha lê, chất liệu đặc trưng làm nên vẻ rực rỡ đặc trưng cho phong cách này. Pha lê được sử dụng làm đèn chùm, bình hoa, ly rượu… Đây là những đồ trang trí điển hình trong lối Cổ điển.

Sự góp mặt của kim loại, ví dụ như vàng, đồng… là điểm nhấn cho không gian đậm chất Cổ điển. Kim loại được mạ lên các vật dụng nội thất hoặc chế tác thành một số vật dụng (đèn bàn, giá cắm nến…) tăng thêm phần quý phái cho ngôi nhà của gia chủ.

Chất liệu da bóng, da lộn… cũng được sử dụng nhiều trong phong cách này. Da thường được làm thành vải bọc sofa, ghế trụ… Sản phẩm được làm từ da dễ lau chùi vệ sinh, không bị mất màu, giữ được vẻ đẹp như ban đầu.

3. Kiến trúc

Đặc trưng của phong cách thiết kế Cổ điển là tính chất đối xứng trong kiến trúc. Dễ dàng nhận ra một công trình mang hơi thở Cổ điển nếu các chi tiết được sắp xếp có chủ ý tạo sự cân bằng.

Phong cách Cổ điển trong xây dựng | Maxhome

Tỉ lệ đối xứng tuyệt đối của ngôi biệt thự Cổ điển

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, không cần thiết gò ép các chi tiết phải đối xứng hoàn toàn với nhau. Ví dụ, lò sưởi đối diện với TV treo tường hay bàn trà… Khi đó, để bảo đảm các vật dụng vẫn có sự đồng điệu trong lối trang trí, gia chủ chỉ cần lựa chọn màu sắc, hoa văn… trên đó tương đồng với nhau, mọi vấn đề tưởng chừng khó khăn sẽ được giải quyết.

Một đặc điểm khác trong kiến trúc Cổ điển là mái vòm hình vòng cung cùng đường phào chỉ nổi. Mái vòm hình vòng cung không chỉ là trụ đỡ vững vàng mà còn tạo đường nét mềm mại, thanh thoát cho công trình. Đường phào chỉ nổi được chạm trổ bằng thạch cao, mang lại vẻ đẹp diễm lệ cho ngôi nhà.

4. Tỷ lệ không gian

Phong cách Cổ điển sở hữu tỷ lệ không gian vô cùng hài hòa bởi sự kết hợp ăn ý giữa các vật dụng có hình dạng, kích cỡ khác nhau.

Trong lối thiết kế này, những đồ vật được sử dụng trong sinh hoạt chung có kích thước lớn: sofa, lò sưởi, cầu thang, giường… không hề phô trương, ngược lại, đặc trưng này giúp căn phòng đạt đến mức độ thẩm mỹ cao nhất của phong cách, lịch lãm, sang trọng, đề cao vị thế của chủ nhà.

Dựa theo những điểm nhấn đã có, các vật dụng còn lại được lựa chọn sao cho phù hợp, đúng và đủ, tránh gây rối mắt, chật chội.

5. Chi tiết trang trí

Nét đặc trưng trong trang trí theo lối Cổ điển là thanh lịch, kiêu sa. Vì vậy mà đèn chùm pha lê là lựa chọn không thể thiếu. Hiện nay, trên thị trường, có rất nhiều mẫu mã đẹp mắt, song, cần chú ý đến chiều cao của trần nhà, các vật dụng xung quanh khu vực treo đèn… để lựa chọn chiếc đèn phù hợp.

Phong cách Cổ điển trong xây dựng | Maxhome

Nội thất đóng góp một phần quan trọng để tạo nên nét Cổ điển

Đã từ lâu, rèm không chỉ là công cụ che nắng, che gió, che mưa… mà rèm đã trở thành một sản phẩm trang trí hiệu quả. Với phong cách Cổ điển, bộ rèm hai lớp gồm một lớp vải voan trắng và một lớp vải dày như gấm, nhung… may xếp ly rủ xuống từ trần nhà là lựa chọn số một. Ngoài ra, chủ nhà có thể lược bỏ một lớp vải nếu có nhu cầu giản lược chi tiết cho không gian sống.

Các vật dụng trang trí khác như lò sưởi, đèn bàn, lọ hoa, khung ảnh… cũng đóng vai trò quan trọng tạo nên cảnh quan đẹp đẽ cho ngôi nhà. Đồng được mạ ở phần chân đèn, viền lò sưởi… tạo cảm giác ấm áp, hoài cổ, tăng hiệu ứng Cổ điển.

Hoa văn trang trí là những họa tiết cổ dựa trên các cung tròn, uốn lượn, đan xen nhau mềm mại, được khảm lên đồ vật, thêm phần trau chuốt, tỉ mỉ.

6. Ánh sáng

Phong cách Cổ điển đậm hơi thở quyền quý, tráng lệ nên ánh sáng trong ngôi nhà cũng cần thể hiện được tinh thần này. Từng gam màu trang trí khác nhau sẽ có sự điều chỉnh ánh sáng khác nhau.

Với những căn phòng mang gam màu ấm áp như vàng, cam… thì ánh vàng nhẹ là sự lựa chọn thích hợp. Với căn phòng ngập tràn sắc trắng thì ánh sáng trắng là tối ưu. Ánh sáng trong nhà nên tương đồng với màu sắc chủ đạo để tạo hiệu ứng thị giác tốt nhất.